Lò vi sóng hiện đã và đang trở thành phương tiện nấu nướng, hâm nóng thức ăn rất tiện lợi trong gian bếp mỗi gia đình hiện đại.Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng lò vi sóng đúng cách và an toàn. Dưới đây là các nguyên tắc cơ bản nhất để sử dụng lò vi sóng đúng cách ,an toàn nhất, hạn chế tối đa sự cố cháy nổ và ảnh hưởng tới cơ thể con người.
Lắp đặt lò vi sóng
Lò vi sóng nên lắp đặt ở vị trí bằng phẳng, thăng bằng. Nối dây tiếp đất cho thiết bị để đảm bảo an toàn điện. Nên sử dụng nguồn điện riêng, ổ cắm phải chắc chắn và tốt nhất là lắp cố định trên tường.
Không đặt lò vi sóng trên mặt đất hoặc những nơi ẩm thấp. Không nên đặt lò vi sóng gần tủ lạnh hay bếp gas, tránh trường hợp không may xảy ra nổ lò vi sóng dẫn đến cháy nổ gas.
Những đồ vật không được cho vào lò vi sóng
- Không cho vật dụng bằng kim loại hoặc bát đĩa có trang trí hoa văn kim loại vào lò vi sóng, để tránh nguy cơ cháy nổ do phóng tia lửa điện.
- Dùng các dụng cụ đựng thức ăn chuyên dụng cho lò vi sóng; không dùng các đĩa chất dẻo thông thường.
- Không cho lò hoạt động khi không có thức ăn hoặc nước trong lò; sóng không được hấp thụ bởi thức ăn sẽ tiếp tục được phản xạ qua lại và phá hủy lò. Nên thường xuyên để trong lò một cốc nước, bởi nếu người sử dụng không biết mà bật lò lên thì vẫn an toàn.
- Những thức ăn có vỏ hoặc màng mỏng, thể tích bên trong khi nóng lên sẽ có áp suất tăng, dễ gây hiện tượng thức ăn phát nổ. Cần phải xăm lỗ, bốc vỏ để tránh hiện tượng này. Không luộc trứng, sò… còn vỏ kín.
- Nếu lò bị rơi, bị bẹp, phải đưa đi kiểm tra xem cửa lò có bị hở không. Ngăn chứa thức ăn phải đảm bảo “độ kín” đối với sóng vi sóng để sóng không lọt ra ngoài.
- Khi đun nấu bằng lò vi sóng, cần kiểm tra độ chín đều. Người ta đã phát hiện được vi khuẩn salmonella (gây bệnh đường ruột) trong một số trứng trần đun bằng lò vi sóng, do nhiệt không phân bố đều.
- Một số chất độc, có thể gây bệnh nguy hiểm như ung thư, từ bao gói chất dẻo và mực in nhãn bao như adipate, phtalat, benzophenone có thể thôi sang thức ăn đun nấu bằng lò vi sóng. Do đó cần tách bao bì khỏi thức ăn trước khi cho vào lò.
- Không dùng lò vi sóng để nấu thịt lợn ướp hoặc thăn lợn hun khói. Những thực phẩm này chứa nhiều nitrit. Nếu được đun bằng lò vi sóng, nitrit sẽ trở thành các nitrosamin – những phân tử có thể gây ung thư rất mạnh.
- Không luộc trứng bằng lò vi sóng, nhiệt độ cao trong lò vi sóng sẽ làm không khí trong trứng giãn nở, dẫn tới nổ tung quả trứng. Đừng lỡ dại mà thử luộc trứng trong lò vi sóng thì đảm bảo bạn sẽ phải lau sạch cả cái lò
Vệ sinh lò vi sóng đúng cách
- Muốn rửa sạch lò dễ dàng, bỏ hai thìa súp nước chanh trong 1 cốc nước, đặt cốc này trong một cốc đong. Bật lò ở chế độ cao trong 2 – 3 phút, cho đến khi dung dịch sôi thì tắt. Bạn có thể thay giấm bằng nước cốt chanh, khi đun nóng hương chanh sẽ tạo mùi thơm dễ chịu, giúp khử mùi thức ăn lâu ngày trong lò.
- Để cốc ở trong lò mà không mở cửa trong 5 phút. Bỏ cốc ra ngoài. Sau đó, bạn có thể dễ dàng lau sạch lò bằng một khăn giấy.
- Để rửa sạch những vết dơ của đồ ăn trong lò vi sóng, hãy rải một chút muối lên vết dơ khi nó vừa dính lên lò. Đợi đến khi lò nguội, dùng miếng bọt biển ấm chùi sạch.
- Tuyệt đối không dùng hóa chất hoặc chất tẩy rửa, mài mòn để vệ sinh lò.