Lò vi sóng là trợ thủ đắc lực trong căn bếp, với nhiều tính năng hữu ích. Tuy nhiên, việc sử dụng lò vi sóng an toàn, hiệu quả không phải ai cũng biết. Để hạn chế những rủi ro khi sử dụng lò vi sóng, bạn nên tránh những thói quen dưới đây.
Hâm thức ăn quá lâu
Nấu quá lâu trong lò vi sóng, thức ăn sẽ bị quá chín, thậm chí khô và cháy. Tốt nhất, khi cài đặt thời gian nấu, bạn hãy chọn thời gian ít nhất theo dự đoán, sau đó có thể nấu thêm nếu cần.
Sử dụng hộp nhựa
Bạn nên tránh làm nóng thức ăn trong hộp nhựa vì hầu như các loại hộp nhựa đều chứa chất độc hại như BPA khi tiếp xúc với nhiệt. Do vậy, bạn nên sử dụng hộp, bát bằng sành, sứ, thủy tinh chịu nhiệt khi hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng.
Túi giấy, túi nilong
Không bao giờ được cho túi giấy, túi nilon, hay tờ báo vào trong lò vi sóng vì chúng có thể tỏa ra các chất khí độc hại, hoặc bốc cháy dưới nhiệt độ cao trong lò. Tuyệt đối không bọc thức ăn trong giấy bạc rồi cho vào lò, vì giấy bạc cũng có thành phần kim loại và có thể phát hỏa.
Đóng nắp kín khi hâm nóng lại thức ăn thừa
Đóng nắp kín có thể khiến bạn không thể mở được ra khi còn nóng và phải chờ cho tới khi nguội hẳn. Thậm chí, những thực phẩm lỏng như súp, canh, cà phê… nóng lên khiến áp suất bên trong và bên ngoài đồ đựng chênh lệch cao, gây nứt vỡ hộp.
Thực phẩm không phù hợp
Bạn không nên cho những thực phẩm được bọc kín như trứng nguyên quả, thức ăn có màng bọc kín, thực phẩm đóng hộp, nước đóng chai… vào lò vi sóng vì sẽ dễ bị nổ và văng bẩn trong lò. Trái cây, sườn, động vật vỏ cứng… cũng không nên dùng cho lò vi sóng vì sẽ bị biến đổi mùi vị và chất dinh dưỡng. Ớt cay, chất capsaicin trong ớt sẽ được giải phóng và bay ra ngoài khi mở cửa lò, khiến bạn bị rát mắt và rát họng.