Vì nhiều lí do mà nhiều người muốn mua tủ lạnh cũ nhưng vẫn cảm thấy e ngại không biết liệu mình mua có bị hớ không, chất lượng tủ cũ có ổn không, làm thế nào để kiểm tra chiếc tủ cũ đó vẫn bảo quản thức ăn chất lượng? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi bạn đứng trước một chiếc tủ lạnh cũ nhưng nhìn vào thấy vẫn chạy tốt, hơn nữa giá lại khá mềm so với mua tủ lạnh mới. Bài viết sẽ giúp bạn bỏ túi một số bí kíp để chọn mua tủ lạnh cũ thật chuẩn nhé.
1. Tuổi thọ rất quan trọng
Đây là yếu tố đầu tiên mà bạn nên tìm hiểu khi chọn mua tủ lạnh cũ. Có thể chiếc tủ đó nhìn còn khá mới và tốt, nhưng nếu tuổi thọ trên 10 tuổi thì bạn không nên chọn. Vì tủ lạnh là thiết bị chạy 24/24 nên công suất nhanh giảm và các thiết bị nhanh hao mòn.
2. Kiểm tra bên ngoài tủ
Bạn kiểm tra chất lượng tủ lạnh từ bên ngoài dựa trên các yếu tố sau:
– Vỏ tủ lạnh: có bị nứt, rạn hay móp méo không? Nếu có một trong các dấu hiệu này, bạn không nên chọn chiếc tủ lạnh đó. Bạn cũng nên dùng bút thử điện thử xem tủ lạnh có bị rò điện ngoài vỏ không.
– Cửa tủ: bạn đóng mở nhiều lần xem cửa tủ có đóng kín, khít và dễ đóng không. Rất nhiều chiếc tủ cũ có hiện tượng đóng mở khó, hoặc đóng không kín. Việc có khe hở ở cánh cửa sẽ làm hao điện mà tủ vẫn không đạt được nhiệt độ tiêu chuẩn để bảo quản thực phẩm.
– Dây dẫn: dây dẫn của tủ dễ bị hỏng do mối, mọt, hay đứt, hở do chuột, gián cắn, nhưng đôi khi người bán quấn gọn dây dẫn vào phía sau tủ và bạn có thể không để ý đến điều này.
– Lưới tản nhiệt: nằm phía sau tủ, và bạn nên kiểm tra xem nó bụi hay sạch sẽ, cũ hay mới. Ưu tiên là nên chọn tủ lạnh có lưới tản nhiệt còn mới và sạch sẽ (yếu tố mới quan trọng hơn, vì bạn có thể vệ sinh nó nếu nó bẩn).
– Chảo đựng nước thải: nằm phía dưới tủ lạnh. Nếu có nước nhỏ giọt thì bạn không nên chọn tủ này.
3. Kiểm tra bên trong tủ
Để kiểm tra nơi đựng thực phẩm có đảm bảo chất lượng không, bạn nên chú ý các điểm sau:
– Nút chỉnh nhiệt độ: bạn chỉnh thử xem nút vặn có còn trơn tru, dễ vặn không. Bạn cũng nên thử vặn từ nút lớn nhất sang nút nhỏ nhất hoặc ngược lại để xem nhiệt độ có thật sự thay đổi rõ không.
– Các ngăn đựng: bạn ấn tay để kiểm tra khả năng chịu lực của các ngăn đựng. Nên chọn tủ có các ngăn đựng còn chịu lực tốt, không nứt, gãy hoặc cong vênh.
– Bóng đèn trong tủ: không nên chọn mua tủ có bóng đèn bị hỏng vì sau đó bạn sẽ phải sửa chữa nó. Bạn có thể kiểm tra tình trạng bóng đèn bằng cách dùng chức năng chụp ảnh hẹn giờ của điện thoại rồi cho điện thoại vào tủ lạnh, đóng cửa vào và chụp để biết trạng thái hoạt động bên trong.
– Kiểm tra mùi của tủ lạnh: nếu bạn đóng tủ lạnh vào một lúc rồi mở ra mà nó có mùi hôi thì không nên chọn tủ lạnh này, vì có thể do hỏng chảo đựng nước thải, hoặc do tủ đã cũ.
– Kiểm tra thành vách tủ lạnh: bạn nên xem kĩ thành vách tủ có bị nứt, rạn hay hở điện không. Một tủ lạnh tốt là bề mặt thành vách chắc chắn, mịn, sáng sủa.